Công án Thiền: Phật là gì?

Sáng 5/7/2012 lễ khởi công tôn tạc tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông trên khối ngọc bích trọng lượng 4.450 tấn đã diễn ra tại khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP HCM...

Dự kiến thực hiện trong 4 tháng, khối ngọc Nephrite trọng lượng 4.450 kg nhập từ Canada sẽ được các nghệ nhân tạc theo tư thế Phật ngồi. Tượng cao khoảng 1,6 mét, trọng lượng trên 2 tấn. Phần đài sen làm bằng cẩm thạch trắng.
Sau khi hoàn thành, tượng sẽ được lưu chuyển đặt tại một số ngôi chùa lớn trong nước để tăng, ni Phật tử chiêm bái.
Cao Lâm (http://vn.news.yahoo.com)

Bình luận:
Vào khoảng 2,500 năm trước tại Ấn Độ có thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha), dòng họ Thích Ca (Sakya) xuất gia học đạo, sau đó đi truyền đạo (xã hội Ấn thời đó có rất nhiều người đi truyền đạo như vậy). Đệ tử theo Phật Thích Ca rất vinh dự được lấy theo họ Thích, có cảm giác thuộc vào gia đình hoàng tộc nên theo rất đông.
Sau khi Phật Thích Ca qua đời thì các đệ tử của Phật trong giáo phái Tiểu Thừa tôn xưng ông lên làm Phật tổ, là vị Phật duy nhất và đặt rất nhiều tôn hiệu cho ông như: Thiên Nhân Sư (Thầy của người và Trời), Vô Thượng Sĩ (chúng sinh trong cõi người và cõi Trời đều không so sánh được), Như Lai Phật (chân lý tuyệt đối) v.v...

Về sau, có những tu sĩ Phật giáo thuộc giáo phái Đại Thừa cảm thấy việc tôn xưng Phật Thích Ca của giáo phái Tiểu Thừa như trên là quá đáng và quá lố lăng, nên đã đưa ra giáo thuyết về ba đời 10 phương chư Phật, nói đến hằng hà sa số Phật - các vị Phật đông như số cát trên sông Hằng ở Ấn Độ - chỉ rõ Phật Thích Ca không phải là Phật duy nhất.

Sau đó, Phật giáo được truyền sang Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Tại Trung Hoa, Phật giáo được vua chúa và nhân dân mến mộ; Lương Vũ Đế là vị vua đầu tiên xuất gia trong lịch sử Trung Hoa (420-589); Nữ hoàng Võ Tắc Thiên (625-705) cũng mộ Phật, có danh hiệu là Thánh Thần Hoàng Đế, Thánh Mẫu Thần Hoàng, bà có cho in và phổ biến rộng rãi cuốn kinh của một vị sư viết ca ngợi bà là Phật Di Lặc; và Từ Hy Thái Hậu (1835-1908) về sau được các nịnh thần và thái giám bốc thơm với danh hiệu Lão Phật Gia khiến bà rất thích thú.

Tại Việt Nam, Phật giáo được hưng thịnh vào đời nhà Lý, nhà Trần. Có vua Trần Nhân Tông trị vì 15 năm thì lên núi Yên Tử xuất gia và lập ra Thiền phái Trúc lâm. Vua Trần được biết đến là vị vua nhân từ, anh minh trong lịch sử Việt Nam, các đệ tử Trúc Lâm phong hiệu cho ông là Phật Hoàng.

Thiền phái Trúc Lâm thuộc về Thiền tông, một tông phái Phật giáo xuất phát từ Trung Quốc. Các thiền sư và các môn sinh đời sau luôn đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề “Phật là gì?” hoặc “Đạo là gì?” qua những công án Thiền - vấn đáp về đạo giữa thiền sư và môn sinh - Ví dụ môn sinh hỏi: “Phật là gì?” Thiền sư đáp: “Bình thường tâm là Phật.”…
Hỏi: “Đạo là gì?” Đáp: “Thường thấy lỗi chính mình cũng là đạo.” Hoặc xách nước bửa củi, ăn cơm, mặc áo, đi đại tiểu tiện đều là đạo...

Qua những câu trả lời trên, thiền sư muốn dạy cho môn sinh hiểu mục đích của tu học là sống và làm những việc bình thường, khiêm tốn học hỏi, tìm cái đạo trong đời sống để được tốt đẹp, an vui, không nên ảo tưởng về chữ Phật và điên đảo trong những lý giải về Phật là một đấng cao siêu hơn cả Thượng Đế trên trời, hay ảo tưởng tu theo Phật để được vang danh thiên hạ....

Lời thiền sư giải thích về Phật là gì, Đạo là gì đã rất rõ nhưng môn sinh vẫn không chịu hiểu, vẫn muốn nghe định nghĩa Phật là cao siêu nhất, bởi vì họ vào Đạo với cái tâm tham danh lợi, nên đua nhau lập ra rất nhiều tông phái thiền, đưa ra bao nhiêu là sách vở, lý lẽ, nói xuôi nói ngược để luận giải về Phật là gì, và chỉ cố làm sao để đạt được danh hiệu Phật. Điều này đã khiến cho Hoà thượng Vân Môn nổi đoá nên khi một sư tăng lại đến hỏi ông Phật là gì thì ông trả lời như mắng thẳng vào mặt: "Phật là càn thỉ quyết!"
Ai không hiểu càn thỉ quyết là gì có thể hiểu lầm đó là cái gì cao siêu quý trọng lắm, nhưng ý nghĩa của nó chỉ là cục cứt khô. Các thiền sư khác cũng có những câu trả lời tương tự như: “Nghe một tiếng Phật thôi đã là làm bẩn lỗ tai” hay “Mở miệng nói chữ Phật, phải súc miệng ba ngày cho sạch”...

Hòa thượng Vân Môn nói Phật là càn thỉ quyết với ý nghĩa chữ Phật chỉ là một cái giả danh, không có gì quý báu, người tu không nên bám chấp cho Phật là cao siêu để rồi ảo tưởng muốn thành Phật mà trở thành người khùng điên. Tu theo Phật thì phải hiểu câu "Phật tại tâm", người có tâm chân chánh là tâm Phật, người mang tâm xấu đi tu là cái tâm càn thỉ quyết - tâm của cục cứt khô! Cuối cùng, dù có giải thích thế nào thì các môn sinh tham đắm danh lợi vẫn tiếp tục ngày đêm tọa thiền, bỏ ăn bỏ ngủ để tìm và thành Phật.

Người Việt Nam khi nói tới Thiền thì cho đó là cái gì quá quý, quý đến nỗi vua chúa cũng bỏ đời, quên cả mạng sống để tìm đạo qua ngồi thiền.
Cả ngàn năm qua, Thiền tông vẫn không hiểu danh từ Phật chỉ là hư danh, nên Phật tử vẫn ngày đêm bái sám lạy Phật, tụng kinh cho Phật nghe, hay ngồi thiền ngày đêm. Các tu sĩ vẫn tiếp tục rêu rao: thân Phật như vàng ròng, Phật có 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp... và tha hồ đúc tượng Phật, sơn son thép vàng nó lên để lôi cuốn bình dân bá tánh tu theo Phật; các tu sĩ vẫn tiếp tục mang họ Thích vì cho rằng họ Thích vinh hiển hơn bất cứ họ tộc nào của Việt Nam. Và cũng bởi vì bản thân của họ không có đủ tài, đức cho nhân gian kính ngưỡng nên phải mượn họ Thích, mượn tượng Phật, mượn những chuyện thần thoại về Phật, và mượn danh của Phật để làm nổi cho mình, lừa gạt bình dân bá tánh.

Mượn danh vua Trần Nhân Tông
Một nhóm phật tử Việt Nam đang tạc tượng của vua Trần Nhân Tông và phong hiệu cho vua Trần là Phật hoàng, dự tính mang đi khắp Việt Nam triển lãm giống như thương gia bên Úc mang tượng Phật ngọc đi khắp nơi để kiếm tiền. Có lẽ họ nghĩ rằng phong cho vua Trần làm Phật thì không còn gì quý hơn, sẽ không ai dám động đến, vì động đến vua Trần là chống lại Việt Nam, đụng đến tình tự dân tộc.

Suy cho cùng, vua Trần là người mộ đạo và đã bỏ danh lợi thế tục để xuất gia hành đạo, mà môn sinh Trúc Lâm của ông giờ đây lại muốn lôi ông về thế tục, mặc áo ngọc cho ông, rồi phong ông là Phật mà không hỏi ý kiến của ông.
Nếu như họ có hỏi thì có lẽ nhà vua sẽ nói: “Lũ nhà ngươi ham danh háo lợi như vậy, sao không cởi bỏ cà sa để tự mình tìm danh lợi mà muốn mượn danh tiếng, thân tướng của ta để hư trương thanh thế, lại còn xưng là môn sinh chân truyền dòng Trúc lâm thiền viện của ta! Phận là đệ tử thì có tư cách gì mà phong cho ta là Phật? Điều mà chính ta còn không dám tự xưng. Thật là phạm thượng chứ không phải cung kính gì đối với Ta!”.

Qua việc các tu sĩ tạo ra thần thoại về Phật, tạc tượng Phật, gắn bừa Phật hiệu cho vị này vị kia đã để lộ tâm ý háo danh háo lợi của họ đến mức vô liêm sỉ. Thiết nghĩ Phật Thích Ca khi xưa cũng đã bị người đời sau lợi dụng danh tiếng; những khoa trương của tu sĩ Phật giáo về ông lại khiến cho ông mang tiếng là người tự phụ ngông cuồng ngạo mạn.

Tâm lý của đa số là thấy cái gì quý cũng cố tranh giành bằng đủ mọi thủ đoạn. Vì danh hiệu Phật được Phật giáo đánh bóng trở thành vật quý như Kim Cương nên một số tu sĩ xuất gia chỉ mong muốn lấy được viên kim cương đó để làm bá chủ Thiên hạ (Thiên hạ = chư Thiên trên trời và loài người dưới đất), chứ không phải xuất gia để buông bỏ vật chất, diệt tham hay để sống đời minh triết, an cư lạc đạo.
Cái tham của tu sĩ so ra còn lớn hơn cái tham của người đời gấp bội.

Cũng xin nhắc nhở người tu rằng những tước vị Thần, Thánh, Phật v.v... đều phải có sắc lệnh của Thiên Đình ban cho mới đúng nguyên tắc. Người trần tự xưng hay tôn xưng lẫn nhau những tước vị đó là vi phạm luật Trời. Những người tham lam hãy cẩn trọng vì làm như vậy sẽ bị Quỷ Thần trừng phạt một cách khốc liệt.

Kinh sách được đăng trên trang này là do vutruhuyenbi.com giữ bản quyền hoặc được sự ủy nhiệm hợp pháp của người giữ bản quyền.
Mọi bản sao, trích dẫn hay dịch thuật kính xin quí vị giữ nguyên bản, đề rõ nơi xuất xứ khi phổ biến vô vụ lợi

Bản quyền Copyright © 2008 www.vutruhuyenbi.com. Mọi vấn đề khác, xin liên hệ: matgiao@yahoo.com

DMCA.com Protection Status