8. Câu chuyện về một bài Thơ Thiền trong chiêm bao

Có vài bạn đạo hỏi TrieuAn về ý nghĩa bài thơ Thiền mà TrieuAn đã dùng làm chữ ký trên diễn đàn? Nay TrieuAn xin kể lể một tí ...

Sau khi được điểm đạo tu mật, TrieuAn cảm nhận rất rõ ràng mình có được những tiến bộ vượt bậc trong tâm trí, nhưng dù sao lòng TrieuAn vẫn còn nỗi băn khoăn, chính vì điều này TrieuAn đã được Chư vị dạy một bài học qua điềm chiêm bao. TrieuAn xin kể lại một giấc chiêm bao của TrieuAn cách đây đã 7 năm mà TrieuAn vẫn còn ấn tượng rất rõ ràng:

Trong chiêm bao, TrieuAn thấy mình đi vào một tòa cao ốc, tìm đến trung tâm Mật giáo để hỏi nguyên do vì sao hệ thống Mật tông mình đang tu tập mình cảm thấy rất hay rất tốt nhưng vì sao mọi người vẫn rất sợ sệt không dám tiếp nhận?

Khi TrieuAn đến được văn phòng trung tâm Mật giáo thì nơi đó đóng cửa, TrieuAn đi xuống dưới lầu thì bất ngờ gặp một vị Thiền sư, TrieuAn liền đem sự thắc mắc của mình ra hỏi vị Thiền sư:
“Thưa ngài, con đã đi lên trên lầu đến văn phòng Mật giáo để muốn hỏi xem: Vì sao hệ thống tu Mật này đem lại nhiều lợi ích thiết thực mà người đời vẫn không dám tiếp nhận? Đáng tiếc là văn phòng đóng cửa con không gặp được ai để hỏi, nay xin Ngài hãy chỉ cho con được rõ.”

Vị Thiền sư liền đọc một bài thơ:
“Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy,
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.”


Thiền sư kia chỉ để lại bài thơ không giải thích gì thêm và TrieuAn tỉnh giấc.

tạm dịch: Nhạn bay trên không, Ảnh chìm nước lạnh;
Nhạn không ý để bóng, Nước chẳng tâm lưu hình.


Trong lịch sử Phật giáo thì Bài thơ trên là của Thiền sư Hương Hải đáp lời vua Lê Dụ Tông khi ông hỏi Thiền sư: “Thế nào là ý của Phật?”. Thiền sư Hương Hải đã trả lời bằng bài thơ, ý nói: "Chim nhạn bay qua trên không, bóng hiện dưới hồ nước lạnh. Chim nhạn không có ý để lại bóng dưới hồ. Nước sông cũng không có ý lưu lại bóng nhạn. Đó là ý Phật."

TrieuAn nghiệm mãi về việc vì sao Chư vị dùng bài thơ này để giải đáp thắc mắc của mình, nhưng vẫn không hiểu được… đến mãi 6 năm sau đó mới thực sự thông suốt: Việc điểm đạo truyền pháp = một chữ DUYÊN, người đi điểm đạo và người nhận điểm đạo cũng tùy một chữ Duyên, tùy duyên tự tại, an lạc không vướng mắc. Đó là ý Phật.

Rồi cách đây khoảng 2 tháng, TrieuAn lại thấy một giấc chiêm bao:
- Có một số đông người tu Mật theo cách thức của Hiển giáo, các vị này đã rao truyền cho là pháp tu Mật của Thầy già là Tà ma không đúng chánh pháp và khuyến dụ những người theo hệ thống này hãy quay lại. Lúc đó, có một Ni sư đã khuyên TrieuAn:
“Thôi đừng đi theo hệ thống Mật tông này nữa, vì nếu như vậy TrieuAn sẽ bị cô lập một mình”.

Trong chiêm bao, TrieuAn thản nhiên mỉm cười trả lời:
“Xin cám ơn tấm lòng của Sư đã dành cho TrieuAn, nhưng TrieuAn đã thực sự nhận được an lạc cho bản thân và thấy phù hợp với pháp tu này, nên không còn lo lắng gì, cũng không quan tâm đến dư luận”…
Câu chuyện trong chiêm bao chỉ có thế thôi, người có duyên ắt tự hiểu... 
:)

(gửi bởi trieuan – Chủ nhật Tháng 2 08, 2009)

Kinh sách được đăng trên trang này là do vutruhuyenbi.com giữ bản quyền hoặc được sự ủy nhiệm hợp pháp của người giữ bản quyền.
Mọi bản sao, trích dẫn hay dịch thuật kính xin quí vị giữ nguyên bản, đề rõ nơi xuất xứ khi phổ biến vô vụ lợi

Bản quyền Copyright © 2008 www.vutruhuyenbi.com. Mọi vấn đề khác, xin liên hệ: matgiao@yahoo.com

DMCA.com Protection Status