15. Đạo Giáo và Chính Trị (gửi bởi Hữu-Huyễn)

Trích dẫn từ bài Võ bùa (Quyền thề-Thần Quyền): “...Sau màn ra mắt vào những năm 80 của thế kỷ trước, võ bùa bỗng dưng mất hút một cách khó hiểu trên "chốn giang hồ". Không ai biết đệ tử của võ bùa ở đâu, hiện đang sống như thế nào, còn lao tâm khổ tứ tập luyện hay không? Gần đây, một lần lang thang trên mạng, tôi tình cờ đọc được thông tin của một môn sinh "chánh phái" nói rằng, trước đây có hai cao thủ phái Thất Sơn đem võ bùa về dạy ở Hà Nội và chính họ là những sư phụ đầu tiên của môn phái ở đất Kinh kỳ...”

Ý kiến:

Môn thần quyền có lẽ hiếm thấy ở ngoài Bắc, nhưng ở miền Nam và miền Trung nó được biết đến khá nhiều. Miền Trung có một lò dạy võ ở tỉnh Quảng trị, môn sinh vào đó học võ thuật lên đến đai xanh thì sẽ được truyền cho thần quyền qua một buổi lễ cúng tổ với nhang đèn; môn sinh uống một đạo bùa, đọc một câu thần chú là có thần lực chuyển cho múa quyền. Từ đó hằng ngày môn sinh luyện tập, có các thần linh về dạy cho đủ các loại võ thuật.

Theo lời của một cựu lãnh đạo của đảng Đại Việt, lò võ này cũng là nơi để tuyển lựa, kết nạp những môn sinh vào đảng ĐV. Vị này theo đạo Công giáo, sau khi được điểm đạo theo Mật tông bằng cách niệm kinh Lạy Cha, có ấn chứng là hai cánh tay giang ra và đầu ngẻo xuống vai trong tư thế của Chúa Giesu trên thập giá. Cụ thuật lại rằng cụ đã từng chứng kiến những pha biểu diễn rất thần kỳ của các môn sinh thần quyền và cũng được nghe nhiều chuyện huyền bí từ những môn sinh này. Cụ nói người ta cũng muốn truyền thần quyền cho cụ nhưng cụ đã từ chối. Tôi nghĩ có lẽ vì cụ là cấp lãnh đạo của đảng và hai nữa là vì cụ theo Thiên Chúa giáo.

Một người khác kể với tôi vào thời thanh niên anh cũng đi học tại lò võ ở Quảng trị tới đai xanh và sau đó thì bỏ không học tiếp vì anh không thích dính líu với chính trị. Anh không muốn học thần quyền vì anh biết tham gia thần quyền cũng là tham gia đảng Đại Việt.

Tại miền Nam thì các lò võ thuật vẫn bí truyền môn thần quyền, từ đó lập ra nhiều tông phái. Tôi quen một anh khoảng 30 tuổi, làm tiếp viên ở nhà hàng bên Mỹ, anh kể lần anh về Việt Nam anh đã được chứng kiến người cậu của anh, là một cao thủ thần quyền có dạy cho một số đệ tử, mỗi đêm luyện võ trông rất ngoạn mục, và biểu diễn cho dao chém vào thân mà không hề hấn gì. Phần anh cũng có uống bùa thọ pháp nhưng không có thì giờ tập luyện nhiều.

Trong Mật tông có hai ngành là võ Phật và văn Phật. Kinh MTTHYL trang 7 có nói về lá Thiên thơ được các sư hàng lục cả dùng để trao truyền tâm pháp gọi là Phép Phật hay Võ Phật. Võ Phật chỉ chuyên về luyện bùa phép và học thần quyền chứ không biết gì về đạo pháp. Văn Phật mới học đạo lý của đời sống và của siêu hình bao gồm chuyện Thiên cơ.

Tại những nước Đông Nam Á phần lớn người học huyền bí đều theo Võ Phật vì ít người học được văn Phật. Các tông phái huyền bí tuy có nhiều danh xưng khác nhau nhưng nghi lễ nhập môn vẫn phải có lễ điểm đạo cúng Phật, cúng thần, cúng tổ, uống một lá linh phù, và chắp tay đọc một câu thần chú. Tông phái huyền bí sử dụng rất nhiều phù và rất nhiều thần chú cho nên khi xuất sư, mỗi môn sinh chọn một lá phù và một câu thần chú để lập tông phái, do đó mà có cả trăm tông phái thần quyền. Tất cả đều nằm trong Mật tông, đều xuất xứ từ bùa Thái Lan, bùa Cao Miên hay Lào. Bùa chú, huyền bí của Miến Điện và Nam Dương ít người học vì ở xa nước Việt Nam, nhưng cũng không khác với Thái Lan, Lào và Cao Miên.

Mỗi tông phái đều có lời thề riêng tuy có thêm thắt cho khác nhau nhưng chánh yếu vẫn là phải giữ luật công bằng, không được hiếu sát. Khởi đầu bộ môn thần quyền có lẽ do các tông phái huyền bí từ Trung Hoa hay Ấn Độ truyền sang từ xưa (cả ngàn năm trước); Đó là bộ môn do Thiên đình bí truyền cho nhân gian để chứng minh sự hiện diện của thánh thần, mà các võ sư bậc thầy ở dưới đất khi nhìn thấy thần quyền biểu diễn cũng phải trầm trồ bái phục.

Thần quyền ở Hà Nội có thể bắt nguồn từ những lò võ ở miền Trung của đảng Đại Việt, nhưng sau này không còn chuyện lợi dụng thần quyền để chiêu mộ đảng viên nữa nên cũng không còn lời thề trung thành với Đảng.

Tại miền Nam có rất nhiều môn phái thần quyền thuần túy dạy võ đạo. Các võ sinh đều được tự do có quan điểm chính trị của mình. Có võ sinh học thần quyền để có sức khoẻ và để biết có thần linh, có người theo võ nghiệp để phục vụ cho lý tưởng chính trị. Mọi người đều có thể tham gia vào bất cứ đảng phái hay quốc gia nào tùy theo mệnh nghiệp hay duyên căn của mỗi người. Bản thân ai có nghiệp thì có theo đảng phái nào cũng phải trả nghiệp. Thánh kinh Thiên Chúa Giáo cũng nói: Ai sử dụng đao kiếm sẽ chết vì đao kiếm. Thí dụ như Quan Thánh theo võ nghiệp rốt cuộc cũng bị chém.

Môn phái Pháp Luân Công do Lý Hồng Chí lập ra cũng là một tông phái có tính cách huyền bí do Lý Hồng Chí có học qua chút bùa của Thái Lan và của một tông phái khác ở Á châu. Quốc Dân Đảng của Đài Loan đã sử dụng Pháp Luân Công trong việc tuyên truyền chống Trung Quốc nên Lý Hồng Chí bị Trung Quốc kết án là phản quốc. Kể cũng lạ vì Lý Hồng Chí sanh ra và lớn lên ở Trung Quốc, xuất thân từ đoàn, đảng và là viên chức của Trung Quốc, nhưng đến khi Lý Hồng Chí qua Mỹ thì ngã theo Quốc Dân Đảng của Đài Loan mà chống lại xứ sở của mình(!).

Pháp Luân Công kết nạp những người Đài Loan tại các nước Tây Phương, lèo lái họ theo Quốc Dân Đảng giống hệt như đảng Đại Việt ở miền Trung kết nạp môn sinh thần quyền vào đảng. Bằng chứng là Pháp Luân Công thường có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Có lần trên T.V. chiếu một số người biểu tình, họ là dân Hồng Kông, Đài Loan tụ tập lại ở ngoài đường và công viên, khi họ chắp tay thì đôi tay của họ cũng có chút thần lực chuyển động. Những người biểu tình bị chính phủ Trung Quốc bắt nhốt tù còn Lý Hồng Chí và môn phái Pháp Luân Công của ông thì được Đài Loan tung hô. Rõ ràng là đạo của chính trị. Lý Hồng Chí tuy bề ngoài dạy chân, thiện, nhẫn nhưng không thể gọi ông là đạo sư mà phải gọi là lãnh tụ vì đạo sư thường không làm chính trị.

Trích Phong thần và Huyền bí học: tất cả những chiến tranh xảy ra trên thế gian đều nằm trong Thiên Cơ. Đệ tử của hai phái ai nấy đều có phép mầu và đều được tự do chọn phò Trụ hay phò Châu. Khi chiến tranh kết thúc đệ tử nào còn sống thì đắc Tiên, đệ tử nào chết thì chỉ đắc Thần. Và như vậy, đạo quân của chánh giáo hay tà giáo (xiển giáo và triệt giáo), cũng là đạo quân của thiên đình và đều phục vụ cho Thiên cơ, mà bản thân người tham gia thì tưởng là mình hành động tự do chứ không biết là họ làm theo duyên nghiệp do số Trời đã định.

Thánh thần trong bộ Quỷ thần có quy định sống làm tướng chết làm thần, đây là nói những tướng trung can nghĩa khí và có phẩm cách thì mới ‘chết làm thần”, còn những tướng gian ác, làm chuyện bất nghĩa thì linh hồn bị đọa địa ngục. Các tay chân bộ hạ của các tướng lãnh chết thì thành ma quỷ, âm binh.
Các vua chúa, các nhà lãnh đạo chính trị xưa nay đều nắm và lợi dụng các tổ chức tôn giáo lẫn các tông phái huyền bí để xây dựng triều đại, điển hình là Quốc Dân Đảng lợi dụng Pháp Luân Công và Đảng Đại Việt lợi dụng thần quyền làm tay sai của họ. Tuy nhiên đó không phải là vấn đề khi hiểu được tất cả đều nằm trong quy luật Thiên cơ, và đều là Thiên ý. Các vua chúa, các nhà lãnh đạo chính trị, các tôn giáo, và các tông phái huyền bí dù muốn dù không, dù ý thức hay không ý thức đều ở dưới quyền của Thánh Thần, do Thánh Thần điều khiển để phục vụ cho Thiên cơ.

Từ ngàn xưa, Bà La Môn giáo biết thờ phượng cả hai vị thần: thần hủy diệt (Khrisna) và thần sáng tạo (Vishnu), vì đã hiểu đạo Trời không phải chỉ có từ bi hỷ xả mà bao gồm luôn chiến tranh và chém giết. Quy luật của trái đất là sanh sanh diệt diệt, hết mưa rồi tới nắng, hết hòa bình tới chiến tranh. Người hiểu Thiên cơ thì thức thời, không viễn vông mơ tưởng tới hòa bình rồi làm mọi cách để cầu nguyện hòa bình. Khi đã hiểu là linh hồn con người vẫn tồn tại sau khi chết thì sẽ hiểu những chém giết chỉ là những bài học, những vở kịch ngắn hay những bộ phim dài nhiều tập, qua đó có thể thấy được một chút về Thiên cơ và đạo trong đời sống của con người mà thôi.

Các vua chúa Ai Cập, Hy Lạp, Trung Hoa đều tự nhận mình là con Trời, chịu mệnh của Trời để cai trị nhân gian. Các vua chúa đều biết Tế trời cầu nguyện cho xã tắc, cho bản thân và gia tộc của mình. Là con của Trời tức là phải làm theo ý Trời, vì có Trời đặt để họ mới được lên ngôi làm vua. Vấn đề nhà vua cai trị có giữ được nước, triều đại có bền vững lâu dài (vài trăm năm như đời Thanh) hay ngắn hạn (vài chục năm như đời Tần Thủy Hoàng) hay không thì phải tùy sự cai trị có chánh đáng hay không. Cai trị chánh đáng, phục vụ cho Thiên đình là Minh vương, còn bạo chúa thì đi ngược lại Thiên đình. Minh vương khi chết đắc Thánh còn bạo chúa thì như Tần Thủy Hoàng, vua Trụ bị xử phạt… Thánh kinh Cựu ước của Thiên Chúa giáo cũng có nói: Thánh thần nắm các vua chúa đến khi vua chúa bất chánh, làm việc trái ý Trời thì thiện thần sẽ lui ra, và Thiên đình sẽ sai ác thần đến để quấy phá và trừng phạt.

Vì là những Thiên tử nên các vua chúa có quyền lợi dụng các tôn giáo như một đảng phái để sử dụng, và trừ khử những lực lượng tôn giáo chống đối đế quyền. Ngoại trừ những bậc Quốc sư là những vị có chân mệnh lớn hơn vua, làm thầy của vua để khuyên nhủ, cảnh cáo và cố vấn các vua chúa trong việc cai trị.
Đây là tài liệu phân tích cho các bạn đạo hiểu rõ thêm về đời, đạo và chính trị, nếu thấy đúng lý thì tin, không thì thôi, không ai bắt buộc phải tin nên không cần phải tranh luận.

Đọc thêm

Kinh sách được đăng trên trang này là do vutruhuyenbi.com giữ bản quyền hoặc được sự ủy nhiệm hợp pháp của người giữ bản quyền.
Mọi bản sao, trích dẫn hay dịch thuật kính xin quí vị giữ nguyên bản, đề rõ nơi xuất xứ khi phổ biến vô vụ lợi

Bản quyền Copyright © 2008 www.vutruhuyenbi.com. Mọi vấn đề khác, xin liên hệ: matgiao@yahoo.com

DMCA.com Protection Status