11. Vị Tu sĩ thần kỳ (gửi bởi Dianichi )

(Lược dịch và tóm tắt bài viết của tác giả David Neel trong cuốn Mystiques et Magiciens du Tibet (1929)) ... Vào năm 1914, Trung Hoa xâm lăng Tây Tạng, Đạt lai Lạt ma thứ 13 phải chạy qua Ấn Độ tị nạn. Tôi thấy đây là cơ hội tốt để phỏng vấn ngài, nhờ ngài giải đáp những thắc mắc về Phật học của tôi. Thật là ngạc nhiên ngài đã đồng ý tiếp kiến tôi trái với thông lệ là Đức Đạt Lai không tiếp xúc với người ngoại quốc mà chỉ tiếp kiến các bậc Trưởng lão cao cấp mà thôi. Tôi cũng không hiểu vì sao nữa. ...

Buổi sáng hôm đó tôi đến chỗ Ngài tạm trú. Đó là một dinh thự rất lớn của Quốc Vương xứ Bhutan. Hai bên có cắm hàng trăm cờ xí bay phần phật trong gió, trên cờ ghi câu Om Mani Pad Me Hum. Hai hàng lính ngự lâm quân đứng hai bên trông rất uy võ. Nghe nói rằng Đức Đạt Lai đã cho giảm những nghi lễ tiếp đón ngài xuống tới mức tối đa, đủ thấy nghi lễ thật sự còn long trọng tới mức nào!

Trái với sự mong chờ của tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ cho tôi gặp trong phút chốc. Ngài nói: “Nếu bà muốn biết về Tây Tạng thì bà nên học ngôn ngữ của xứ Tây Tạng.” Tôi nói tôi chỉ muốn viết bài phóng sự về văn hóa và phong tục của Tây Tạng. Ngài nói: “Được, vậy thì tôi sẽ kêu nhân viên thông dịch đi theo bà.” Với một phất tay của ngài thì một tiếng trống vang lên cho biết đã hết giờ.

Trước khi ra về, tôi được chứng kiến một nghi thức ban phép lành của Đạt Lai Lạt Ma khác hẳn với với cách ban phép lành của Đức Giáo Hoàng (giơ tay lên để ban phép lành cho mọi người có mặt). Ở đây Đức Đạt Lai ban phép cho từng người một. Đối với các trưởng lão Ngài đặt cả hai bàn tay lên đầu của họ, còn với các tùy tùng thì chỉ đặt 1 tay. Ngài tùy theo cấp bậc và chức vị mà đặt hai tay, 1 tay, vài ngón tay hay chỉ 1 ngón tay lên đầu của người đó.
Khi ban phép lành cho bá tánh thì Ngài cầm lá cờ nhỏ đặt lên vai của họ. Dân chúng rất tin tưởng và rất xem trọng việc được ban phép lành, họ tin là sức mạnh thiêng liêng của Đức Đạt Lai sẽ được truyền qua cho họ và mang những lợi lạc đến cho họ.

Trong số hàng ngàn người Tây Tạng đang xếp hàng chờ được ban phép lành có người Ấn, người Hồi, người Bengal v.v. Bỗng nhiên tôi chú ý đến 1 vị tu sĩ với cái đầu bù xù, với bộ quần áo rách nát, và cái túi lớn đeo trên vai đang đứng nhìn cảnh tượng ban phép lành của Đức Đạt Lai Lạt Ma với nét mặt khinh khỉnh. Ngạc nhiên với thái độ đó của ông ta tôi liền hỏi vị thông dịch về người đó thì được cho biết đó là một tu sĩ trong tông phái huyền bí Naljorpa. Người thông dịch đến hỏi chuyện vị tu sĩ đó một lát và quay lại cho tôi biết thêm: “Vị tu sĩ đó là người xứ Bhutan, ông đi ta bà đây đó, khi thì ở trong chùa, khi ở trong những hang động. Giờ thì ông ta đang ở một ngôi chùa ở gần đây.”

Tôi muốn hiểu thêm về thái độ lạ lùng của vị tu sĩ ấy nên cùng với thông dịch viên đi đến ngôi chùa đó. Đến nơi, thấy ông ta đang ngồi ăn cơm. Tôi lên tiếng chào nhưng ông không trả lời. Tôi còn đang bối rối nghĩ cách tiếp cận ông ta thì ông ta nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, và lẩm bẩm mấy câu. Vị thông dịch nghe qua thì tỏ vẻ khó chịu. Tôi ép mãi ông ta mới miễn cưỡng nói: “Ông ấy nói là cái con mẹ ngu đần này, tới đây để làm gì?”

Tôi không ngạc nhiên mấy vì đã nghe kể về lối nói chuyện kiểu này của những vị thầy Á Đông, họ muốn xem phản ứng của những người tới cầu đạo. Qua người thông dịch tôi hỏi:
- Xin ông cho biết vì sao buổi sáng nay, ông có vẻ khinh bỉ và coi thường một buổi lễ trang nghiêm như vậy?

Vị tu sĩ bật cười và đáp:
- Chỉ toàn là một đám ăn hại mà chúng tưởng chúng quan trọng lắm. Toàn là lũ vòi, bọ đang bám cục phân, chứ có cái gì mà quý báu!

Tôi hỏi lại ngay:
- Như vậy thì ngài có sạch sẽ hơn đống phân kia hay không?

Vị tu sĩ cười mà nói rằng:
- Kẻ nào càng lánh né nó thì sẽ càng lún sâu vào nó. Ta thì giống như con heo lăn lộn trong đống phân, ta ăn phân rồi tiêu hóa, biến nó thành cát vàng, nước thánh, và những ngôi sao trên bầu trời. Như vậy mới đúng là công phu hành đạo.

Tôi lại hỏi:
- Nhưng họ là những người dân quê chất phác, đến để xin ban phép lành và mong được sự nương tựa thì có gì là quá đáng hay đáng trách…?

Vị tu sĩ cắt ngang lời tôi và nói:
- Bà không biết gì hết thì đừng nói. Người nào muốn ban phép lành cho ai thì trước hết phải có cái quyền năng đó đã. Nếu Đạt Lai Lạt Ma đó thật sự có quyền năng thì tại sao còn cần có quân đội để chống cự với Trung Hoa? Tại sao lại không sử dụng quyền phép của mình để tạo nên những màn lưới vô hình, để mà ngăn cản Trung Hoa không cho xâm lăng lãnh thổ của ông ta? Tuy ta đây chỉ là 1 kẻ tầm thường đang học đạo nhưng mà ta đã có thể …

Ông bỏ dở câu nói cố tình để cho tôi tự suy nghĩ về quyền năng của ông ta. Vị thông dịch viên tỏ ra rất bứt rứt, khó chịu vì ông rất kính trọng Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng lại không dám phản đối.

Tôi xin phép ra về. Và đưa một ít tiền cho người thông dịch để cúng dường vị tu sĩ, nhưng ông tỏ vẻ khó chịu và khước từ cúng dường của tôi. Vị thông dịch liền để số tiền đó lại ở trên bàn.
Vị tu sĩ nhếch miệng và làm một cử chỉ phất tay áo. Tức thì toàn thân của người thông dịch bị hất tung lên và va mạnh vào bức tường gần đó. Ông nhăn nhó ôm ngực. Vị tu sĩ đứng dậy đi vào trong.

Tôi hỏi người thông dịch chuyện gì đã xảy ra? Ông nói ông vừa bị đánh một cú vào ngực. Tôi hỏi là ai đánh ông? Ông trả lời là chính ông tu sĩ đó.
- Nhưng ông ta ngồi cách ông cả thước đâu có đụng vào người của ông được? Hay là ông ngồi lâu quá rồi bị xây xẩm khi đứng lên?

Thông dịch viên vạch áo ra cho tôi thấy một vết tím bầm nơi ngực của ông ta như bị một vật gì đập vào. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Vị tu sĩ kia ở cách xa mấy thước và có tôi đứng ở giữa hai người thì sao ông ta lại có thể khiến cho người thông dịch bị thương như vậy.
Phải chăng đó là một một quyền năng siêu hình?

Người học đạo cần chú ý câu chuyện của bà David Neel là ám chỉ cho thấy nghịch lý: Một người tự cho mình là có quyền năng ban phép lành cho vạn người nhưng lại không thể bảo vệ được lãnh thổ của mình và ngay cả bản thân mình cũng phải chạy ra khỏi nước để đi lánh nạn.

Đọc thêm

 

Kinh sách được đăng trên trang này là do vutruhuyenbi.com giữ bản quyền hoặc được sự ủy nhiệm hợp pháp của người giữ bản quyền.
Mọi bản sao, trích dẫn hay dịch thuật kính xin quí vị giữ nguyên bản, đề rõ nơi xuất xứ khi phổ biến vô vụ lợi

Bản quyền Copyright © 2008 www.vutruhuyenbi.com. Mọi vấn đề khác, xin liên hệ: matgiao@yahoo.com

DMCA.com Protection Status